Phần lớn trẻ tự kỷ đều gặp phải khó khăn khi phát triển ngôn ngữ. Việc chậm nói ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp, tương tác, kết nối của trẻ. Nếu được hỗ trợ sớm, đúng cách và kiên nhẫn, trẻ tự kỷ có thể phát triển bình thường, hòa nhập tốt. Với sự hướng dẫn của chuyên gia, cha mẹ là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất để con sớm hòa nhập.
Cách dạy trẻ tự kỷ tập nói chuyện và phản xạ cần nhiều thời gian, cha mẹ cùng kiên nhẫn để con được bồi đắp, phát triển, cha mẹ nhé!
Giúp trẻ tự kỷ tăng tương tác với thế giới bên ngoài để tập nói
Mỗi ngày, cha mẹ nên dành thời gian đưa trẻ đến khu vui chơi, công viên, cuối tuần đưa trẻ đi siêu thị, đi mua sắm cùng gia đình… để trẻ được tăng tương tác với thế giới bên ngoài. Cha mẹ nên cho trẻ có được cảm nhận, “Mình cũng như các bạn nhỏ khác”.
Nghe, nhìn, quan sát được nhiều người khác nhau nói chuyện, trẻ sẽ vừa học hỏi, vừa có động lực để tập nói hơn.
Đơn giản từ ngữ và phát huy “Ngôn ngữ cơ thể” khi giao tiếp với trẻ tự kỷ để tập nói hiệu quả
Sử dụng câu ngắn, từ đơn giản, rõ ràng, trực tiếp khi đưa ra yêu cầu hay tương tác với trẻ. Lặp lại nhiều lần, chậm rãi, đừng hối thúc… để trẻ an tâm và tự tin trong việc hiểu và tập nói.
Khi nói, cần kết hợp cử chỉ: Tay di chuyển để diễn đạt, ánh mắt nhìn thẳng vào trẻ, đầu gật gù,… phát huy “Ngôn ngữ cơ thể” tốt nhất có thể.
Tận dụng điều trẻ thích, biến hóa điều đó thành phương tiện để tập nói
Biết trẻ thích món đồ chơi nào đó, hãy đặt xa tầm với để trẻ đòi. Bạn đừng vội đưa và cứ tỏ vẻ không hiểu trẻ muốn gì. Điều này sẽ thúc đẩy trẻ có thêm động lực diễn đạt, nói chuyện. Kiên nhẫn, tăng dần mức độ để trẻ “đòi”.
Hoặc trẻ thích một quyển truyện tranh, hình ảnh nào đó, hãy nói về nó, đặt câu hỏi ngắn để gợi tò mò.
Ví dụ: Vì sao bạn Gấu khóc? Mèo kêu thế nào?
Vừa đặt câu hỏi, vừa tương tác vào tranh sách, rồi giao lưu nhìn vào mắt trẻ.
Sau khi đặt câu hỏi, bạn nên có thời gian chờ để trẻ “load thông tin”, có cơ hội thể hiện cảm xúc. Khi trẻ có phản hồi, bạn đáp ứng ngay để trẻ cảm nhận được hiệu quả của lời nói, giao tiếp. Một tiếng ư, a… cũng là một thành quả cố gắng đáng khen của trẻ. Hãy khích lệ, động viên trẻ. Bạn tiếp tục hỏi để trẻ cảm nhận được rằng mình được phản hồi thông tin tốt, được ghi nhận.
“Bám sát” lộ trình theo ý kiến từ phía chuyên môn
Cha mẹ là người thầy tốt nhất để giúp trẻ tự kỷ nhanh chóng hòa nhập. Cha mẹ đừng do dự mà bỏ lỡ cơ hội vàng để trẻ được can thiệp điều trị sớm, nhất là 3 năm đầu đời. Việc tham khảo ý kiến chuyên gia, có đánh giá chính xác về điều đang xảy ra với trẻ, để đưa ra được kế hoạch đồng hành kiên trì, sát cánh bên con là điều cần thiết.
Tập nói cho trẻ tự kỷ cần thời gian, tâm sức, kiên nhẫn và tình yêu thương. Mỗi trẻ là một cá thể khác biệt, chúng ta cần quan sát để điều chỉnh nhịp độ phù hợp với trẻ. Có rất nhiều cách tùy vào lứa tuổi, mức độ. Tuy nhiên, những cách dạy trẻ tự kỷ tập nói đã nêu trên là cơ bản, cha mẹ dễ dàng thực hiện mỗi ngày bên con.
Tài liệu tham khảo: Trang thông tin điện tử hellobacsi
---
FasTracKids - Sẵn sàng đồng hành từng bước trưởng thành của các con!