Thực tế, phần lớn trẻ F0 không có triệu chứng nặng, nhưng đôi lúc do tâm lý lo lắng và cách chăm sóc chưa đúng của cha mẹ có thể làm trẻ lâu phục hồi sau bệnh hơn, thậm chí phát triển các triệu chứng kéo dài gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Đây là 06 sai lầm thường gặp của cha mẹ khi chăm sóc trẻ F0 tại nhà:
- Test trẻ mỗi ngày.
Việc test mỗi ngày là không cần thiết và có thể ảnh hưởng đến tâm lý như gây lo sợ cho trẻ. Chỉ nên test khi trẻ bắt đầu sốt, lần 2 là sau 7 ngày kể từ ngày bắt đầu sốt.
- Lạm dụng kháng sinh.
Tâm lý lo sợ trẻ khó chịu, nhiều cha mẹ cho trẻ uống đủ thứ thuốc, phần lớn là kháng sinh. Thực tế, kháng sinh không làm trẻ khỏe hơn, đôi lúc gây nhiều tác dụng phụ cho trẻ. Điều gì cần làm khi trẻ bị dương tính? Đầu tiên bạn cần bình tĩnh đánh giá:
Liệu trẻ có triệu chứng không? Và triệu chứng có gây khó chịu cho trẻ?
a/ Nếu không triệu chứng, thì không cần dùng thuốc. Trẻ chỉ nên ăn uống đa dạng cân bằng như bình thường, uống nhiều nước, cho trẻ nghỉ ngơi khi trẻ cảm thấy mệt,
b/ Nếu triệu chứng nhẹ - trung bình, cha mẹ có thể xử lý tại nhà như:
- Sốt: Theo dõi nhiệt độ (khi nhiệt độ ở nách là 38.5 độ C, là trẻ đang sốt), mặc đồ thoáng mát, uống đủ nước, cho trẻ bú mẹ nếu còn, lau mát, và có thể dùng thuốc hạ sốt.
- Ho: Với các bé dưới 1 tuổi có thể dùng ½ muỗng café (2.5ml) nước ép táo hoặc nước ngâm chà là. Trẻ trên 1 tuổi có thể dùng mật ong (2.5ml) để làm dịu cơn ho đặc biệt về đêm. Cha mẹ có thể tư vấn thêm dược sĩ để dùng siro ho cho trẻ theo đúng hướng dẫn.
Một số cơn ho đi kèm với nghẹt mũi về đêm có thể rất khô miệng, trẻ có thể uống 1 ly nước ấm khoảng 30 - 80ml trước khi ngủ và sáng thức dậy sẽ giúp giảm tình trạng khó chịu ở trẻ.
Bên cạnh đó, nên giải phóng bớt thú nhồi bông, mùng mềm để giường ngủ trẻ thông thoáng sẽ có ích cho hô hấp của trẻ.
- Biếng ăn: Trẻ cũng có thể trải nghiệm mất vị giác như người lớn chỉ có điều là trẻ không thể mô tả cho bạn biết. Khi mất vị giác, trẻ có thể biếng ăn hoặc ăn uống không ngon, dễ thấy là trẻ từ chối ăn cả món trẻ vẫn thích ăn. Lúc này, bạn vẫn có gắng duy trì trẻ ăn đúng bữa và tránh bỏ bữa vì nó sẽ giúp trẻ duy trì cảm giác no đói. Điều này rất quan trọng để trẻ có thể vẫn thích ăn dù chưa/ không cảm nhận được vị hay mùi thức ăn.
Nếu trẻ mệt không ăn, bạn có thể cho trẻ lượng ăn ít hơn hay loại thức ăn dễ nuốt hơn hoặc các loại thực phẩm tiện và có thể kích thích 1 số giác quan khác khi ăn như kêu răn rắc khi nhai. Việc kích thích các giác quan khác như thính giác, thị giác thông qua màu sắc, xúc giác thông qua cấu trúc thức ăn (VD, cơm viên rắc mè) trong lúc này sẽ làm trẻ cảm nhận được thức ăn trẻ đang ăn tốt hơn.
c/ Nếu có triệu chứng nặng như thở gấp, đau ngực, môi tím, mất nhận thức, phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt hơn.
- Xông khi trẻ nghẹt mũi, sổ mũi.
Nhiều cha mẹ thấy trẻ khịt khịt mũi, ho là thường xông trẻ bằng lá cỏ. Đây là điều nên tránh, đặc biệt các bé dưới 2 tuổi do độ tuổi này hệ hô hấp của trẻ có thể dễ bị tổn thương bởi hơi nóng hoặc dễ bị ngạt.
Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý được khuyên để vệ sinh mũi cũng như làm dịu các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi cho trẻ. Để tăng hiệu quả có thể lựa chọn những loại nước muối sinh lý có bổ sung thêm các thành tự nhiên có tính chất kháng viêm và kháng khuẩn. Tuy nhiên, bạn cũng cần quan tâm thành phần dược liệu bổ sung vào về tính hiệu quả và tính an toàn của nó.
- Sử dụng thuốc giảm sốt liên tục.
Sốt là triệu chứng thường gặp liên quan đến bệnh. Trẻ có thể sốt cao trong 5 ngày đầu khi trẻ bị dương tính. Uống thuốc hạ sốt xong trẻ có thể hạ, nhưng sẽ lên lại. Đó là chu kỳ bình thường của bệnh. Cha mẹ không cần quá lo lắng. Trẻ có thể uống paracetamol với khuyến cáo 10-15mg/kg. Không nên dùng liên tục, mà cách 4 - 6 tiếng 1 lần vì nếu dùng liên tục hạ sốt không hiệu quả và có thể làm trẻ mệt hơn. Tư vấn bác sĩ hoặc dược sĩ để đo lường liều uống đúng và chọn loại thuốc dễ uống cho trẻ.
- Mở TV, hoặc cho trẻ chơi điện thoại để trẻ quên mệt.
Khi bệnh trẻ có thể rất mệt mỏi. Nhiều cha mẹ thường cho trẻ xem TV hoặc chơi điện thoại cả ngày để trẻ quên mệt mỏi. Tuy nhiên, điều này tưởng rằng đang làm trẻ thư giãn, nhưng không. Nó làm não trẻ trở nên mệt mỏi hơn. Khi bệnh trẻ cần được vào trạng thái nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe vì cơ thể trẻ đang phải chống trả lại mầm bệnh đang xâm chiếm. Khi sử dụng các thiết bị điện tử, cơ thể và não trẻ không thể ở trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn, do đó trẻ có thể trở nên bệnh hơn. Cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, có thể cùng nằm trò chuyện, đọc sách hoặc tạo trò chơi vui vẻ tại giường cho trẻ. Đó là cách làm trẻ khỏe hơn thay vì cho trẻ xem hay chơi điện thoại.
- Lạm dụng vitamin C.
Uống quá nhiều vitamin C có thể gây tác dụng phụ khó chịu cho trẻ như tiêu chảy, đau bụng. Khuyến khích trẻ ăn các loại trái cây giàu vitamin C như ổi, cam, khóm, táo bưởi, dâu tây… sẽ tốt hơn cho bổ sung cả vi chất và chất xơ tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ.
Chúc cha mẹ, chúc các con khỏe mạnh, bình an vượt qua đại dịch. Chúng ta sẽ hẹn gặp nhau ở trường để cùng vui chơi học tập, cả nhà nhé!
Biên tập và hiệu chỉnh: FasTracKids Việt Nam.
Tham khảo: Bác sĩ Anh Nguyễn, Giám đốc bộ phận tư vấn Nhi khoa của HIDADDI Nutrition for Family & Child.
Note
Memar, M et al. (2017) Carvacrol and thymol: strong antimicrobial
---
#FasTracKids Việt Nam